10:16 25/03/2020

VNPT Pay được lựa chọn là công cụ thanh toán trên Cổng Dịch vụ công quốc gia


Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến trong đó có nội dung về Sơ kết 03 tháng vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia (Cổng DVCQG) và công bố tích hợp thêm 15 dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong số 169 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 được đưa lên Cổng DVCQG, người dân và doanh nghiệp có thể lựa chọn hình thức thanh toán trực tuyến thông qua ví điện tử VNPT Pay hoặc thông qua 34 ngân hàng qua cổng thanh toán của VNPT Pay một cách đơn giản và vô cùng tiện lợi.

Cổng DVCQG ra đời là một mắt xích quan trọng trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, kết nối hiệu quả giữa Chính phủ với người dân và doanh nghiệp. Với những lợi ích vô cùng thiết thực nên chỉ sau 03 tháng đưa vào vận hành, Cổng DVCQG đã kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu với 14 Bộ và 63 địa phương với gần 79.000 tài khoản đăng ký; hơn 23 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin và thực hiện dịch vụ; hơn 2,9 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái.

Như vậy, từ 8 nhóm dịch vụ công trực tuyến ở thời điểm khai trương (tháng 12/2019), đến nay Cổng DVCQG cung cấp 169 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, trong đó đáng chú ý như đã thực hiện tích hợp để nộp phí, lệ phí dịch vụ hành chính công tại An Giang; nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe gắn máy tại Hà Nội, TPHCM; nộp phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ tại 5 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TPHCM, Bình Thuận); thực hiện nộp thuế cá nhân, thuế doanh nghiệp, thuế môn bài trực tuyến trên toàn quốc. Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ dù trong giai đoạn thử nghiệm đã triển khai tích hợp 19 chế độ báo cáo của 10 bộ, cơ quan; bước đầu cung cấp một số thông tin liên quan đến KT-XH hằng ngày, hằng tháng, quý và năm.

Tại Hội nghị trực tuyến ngày 13/3/2020, trong số rất nhiều dịch vụ cần phải đẩy nhanh tiến độ để đưa vào vận hành trên Cổng DVCQG, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh đến dịch vụ thanh toán trực tuyến phí, lệ phí thuế, tiền phạt xử lý vi phạm hành chính và các nghĩa vụ tài chính khác trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trên Cổng DVCQG, Cổng Dịch vụ công cấp Bộ, cấp tỉnh…nhằm góp phần thực hiện thành công giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Cũng theo Văn phòng Chính phủ, các dịch vụ nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và nộp lệ phí trước bạ xe ô tô, xe gắn máy sẽ được thực hiện trực tuyến trên Cổng dịch Cổng DVCQG trên phạm vi toàn quốc từ tháng 6/2020.

Việc Văn phòng Chính phủ đồng ý triển khai giải pháp thanh toán trực tuyến dịch vụ thu phạt, xử lý vi phạm giao thông trên Cổng DVCQG được các chuyên gia kinh tế tại Việt Nam đánh giá rất cao và cho rằng đây sẽ là công cụ hỗ trợ hiệu quả cho người dân trong việc thanh toán tiền nộp phạt. Với hình thức nộp phạt mới này, người vi phạm có thể nộp tiền phạt trực tuyến thông qua Cổng DVCQG mọi lúc, mọi nơi trong khoảng thời gian từ 3-10 phút, thay cho phải đến Kho bạc nhà nước hoặc Ngân hàng để nộp phạt như trước đây. Người vi phạm chỉ cần sử dụng thiết bị di động, máy tính có kết nối Internet và thực hiện các thao tác nộp phạt một cách đơn giản.

Nếu vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, người vi phạm có thể lựa chọn 2 trường hợp thanh toán và nhận kết quả: Thứ nhất là thanh toán trực tuyến và nhận kết quả tại cơ quan xử phạt; thứ hai là thanh toán trực tuyến và nhận kết quả tại nhà.

Trường hợp người dùng chọn thanh toán trực tuyến và nhận kết quả tại nhà sẽ sử dụng dịch vụ bưu chính công ích để trả kết quả tại nhà cho người dân. Với việc thanh toán trực tuyến, hiện tại, chỉ có hai ngân hàng TMCP là Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) được tích hợp để thanh toán trên Cổng DVCQG. Tuy nhiên, người dân có thể kết nối và thanh toán với khoảng 34 ngân hàng khác thông qua cổng thanh toán của VNPT Pay. Danh mục các ngân hàng mà VNPT Pay kết nối bao gồm hầu hết các ngân hàng phổ biến nhất hiện nay tại Việt Nam như: Agribank, Vietcombank, Vietinbank, VPBank, Techcombank, Maritime Bank, MB Bank, BIDV, Ocean Bank, TP Bank, Exim Bank, ACB, Ngân hàng Nam Á, SCB, SHB, ABBank, HD Bank, Ngân hàng Đông Á, Bảo Việt Bank, GPBank, LienVietPostBank, SeaBank, VIB… Ngoài ra, người dân có thể lựa chọn thêm hình thức thanh toán qua ví điện tử VNPT Pay. Như vậy có thể thấy, với sự tích hợp cổng thanh toán VNPT Pay, Cổng DVCQG đã sẵn sàng về các kênh thanh toán, tạo sự thuận tiện nhất để người dân sử dụng.

Với những kết quả đã đạt được chỉ sau 03 tháng đưa vào vận hành Cổng DVCQG, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt biểu dương một số Bộ, ngành, Ngân hàng, địa phương và các Tập đoàn nhà nước, trong đó có Tập đoan VNPT. Nhận thức rõ vai trò và ý nghĩa của Cổng DVCQG, nên ngay từ khi bắt đầu triển khai xây dựng Cổng, Tập đoàn VNPT đã tập trung mọi nguồn lực sẵn có để đầu tư xây dựng và cho thuê lại dịch vụ. Đến nay, VNPT vẫn giữ nguyên cam kết ban đầu, đó là xây dựng và phát triển Cổng DVCQG dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến, hiện đại và cung cấp các giải pháp an toàn, bảo mật thông tin tốt nhất cho người dùng.

Nguồn: vnpt.com.vn


Từ khóa: khuyến mại vinaphone Khuyến mại 20% Thuê bao trả trước Thuê bao trả sau Khuyến mại