14:09 18/12/2020

Những dấu ấn đột phá của Tập đoàn VNPT trong năm 2020


Năm 2020, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19 bùng phát khó kiểm soát; thiên tai bão lũ diễn biến phức tạp, khó lường đã tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội đồng thời tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT. Với tinh thần chủ động “Biến thách thức thành hành động” cùng sự chung sức, đồng lòng, Tập đoàn VNPT vẫn luôn thể hiện rõ trách nhiệm của đơn vị chủ lực về Viễn thông - CNTT với đất nước, với cộng đồng; tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong, dẫn dắt trong chuyển đổi số quốc gia.

Năm 2020 - một năm nhiều dấu ấn

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 và thiên tai bão lụt, nhưng với tinh thần quyết tâm cao, ngay từ đầu năm, VNPT đã tập trung triển khai các giải pháp sản xuất kinh doanh (SXKD). Nhờ đó, VNPT đã hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh. Kết quả, tổng doanh thu toàn VNPT đạt 162,7 nghìn tỷ đồng, trong đó doanh thu Công ty mẹ đạt 43,2 nghìn tỷ đồng, bằng 96% kế hoạch (nếu loại trừ yếu tố ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là khoảng 2.000 tỷ đồng thì VNPT hoàn thành kế hoạch doanh thu). Lợi nhuận VNPT đạt 7,1 nghìn tỷ đồng, trong đó lợi nhuận Công ty mẹ đạt 5,1 nghìn tỷ đồng bằng 102,2% kế hoạch. Nộp ngân sách nhà nước đạt 5,2 nghìn tỷ đồng, bằng 102% kế hoạch. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu của VNPT đạt 10,4%. Vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, VNPT đã đảm bảo việc làm và thu nhập bình quân người lao động năm 2020 ổn định so với năm 2019.


Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Phú Hà - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã đánh giá cao những kết quả đạt được của Tập đoàn VNPT trong năm 2020.

Năm 2020, VNPT tiếp tục giữ vững và phát triển thương hiệu VNPT. Theo công bố của Brand Finance tháng 12/2020, với giá trị 2,4 tỷ USD, thương hiệu VNPT từ vị trí 72 năm 2019 đã tăng lên vị trí 55 với tốc độ 42% và giữ vị trí top 2 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam. Cùng với sự tăng trưởng về giá trị thương hiệu, trong năm, hàng loạt các sản phẩm, giải pháp của VNPT cũng được các tổ chức đánh giá uy tín trong nước và quốc tế vinh danh. Với 15 giải thưởng lớn tại Stevie Awards châu Á - Thái Bình Dương 2020 và 5 giải thưởng Stevie Awards Kinh doanh quốc tế, VNPT tiếp tục khẳng định vị trí dẫn dắt trong công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam và hướng đến những sản phẩm dịch vụ chất lượng quốc tế. Lần đầu tiên tham gia giải thưởng Công nghệ thông tin thế giới nhưng VNPT đã trở thành doanh nghiệp Việt Nam đạt nhiều giải thưởng nhất với 6 giải vàng, 3 giải bạc và 1 giải đồng. VNPT còn được đánh giá cả về sáng tạo, tư duy đổi mới với giải thưởng “Đơn vị viễn thông sáng tạo nhất châu Á” tại Asia Communication Awards.

Song song với việc đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu về lợi nhuận và nộp ngân sách Nhà nước, triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, năm 2020 cũng là năm Tập đoàn VNPT có nhiều dấu ấn quan trọng. Đó là, VNPT đã có dòng doanh thu đầu tiên từ việc cung cấp giải pháp CNTT tại thị trường quốc tế. Đó là doanh thu từ việc cung cấp giải pháp E-Office tại Văn phòng Chính phủ Lào. Được sự tín nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông Lào, VNPT kỳ vọng sẽ không chỉ mở rộng việc cung cấp giải pháp E-office đến các Bộ, ngành khác của Lào mà còn triển khai thêm nhiều giải pháp trong hệ sinh thái Chính phủ điện thử, giáo dục tại Lào và các nước lân cận.

Tháng 6/2020, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV lần đầu tiên được triển khai bằng hình thức trực tuyến. Mô hình này được đánh giá là một bước đổi mới, là tiền đề để cải tiến cách thức tổ chức các kỳ họp của Quốc hội trong thời gian tới và thích hợp để mở rộng các hoạt động của Quốc hội trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại. Với vai trò là đơn vị triển khai, việc tổ chức thành công phiên họp trực tuyến đầu tiên của Quốc hội này là tiền đề quan trọng để VNPT tiếp tục đồng hành với Quốc hội Việt Nam trong triển khai quốc hội điện tử, đồng thời một lần nữa khẳng định uy tín và năng lực, kinh nghiệm của VNPT trong các dự án trọng điểm quốc gia.

Năm 2020, với quyết tâm song hành cùng Chính phủ triển khai mục tiêu kép “phòng chống dịch” và phát triển kinh tế, VNPT đã kịp thời vận dụng toàn bộ hệ sinh thái của mình, cùng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp quyết liệt phòng chống Covid-19. Ngay từ đầu đại dịch, VNPT đã chủ động cung cấp Hạ tầng mạng lưới VT-CNTT phục vụ điều hành chỉ đạo của Nhà nước cũng như phục vụ người dân; hàng triệu khách hàng được bổ sung dung lượng đáp ứng nhu cầu làm việc từ xa, làm việc trực tuyến trong thời gian giãn cách xã hội. Đồng thời, VNPT đã kịp thời triển khai giải pháp VNPT E-Learning giúp hàng triệu giáo viên và học sinh “tạm dừng đến trường, không dừng học” và VNPT Meeting giúp các doanh nghiệp tiếp tục vận hành sản xuất kinh doanh…


Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT Phạm Đức Long cho biết, với tinh thần quyết tâm vượt qua khó khăn, không ngại thay đổi, ngay từ đầu năm, VNPT đã tập trung triển khai các giải pháp SXKD nhằm thực hiện mục tiêu được Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giao. VNPT đã triển khai đổi mới toàn diện phương thức tổ chức sản xuất và kinh doanh dịch vụ, đẩy mạnh phát triển và ứng dụng sáng tạo công nghệ, góp phần hoàn thành các mục tiêu kế hoạch đã đề ra.

Hạ tầng, mạng lưới viễn thông tiếp tục có những bước phát triển đột phá

Năm 2020, mạng lưới viễn thông, CNTT của Tập đoàn VNPT tiếp tục được mở rộng theo định hướng đột phá về hạ tầng, công nghệ. VNPT đã xây dựng, ban hành Quy hoạch mạng giai đoạn 2021-2025 ở một loạt các lĩnh vực như mạng di động, 5G, hạ tầng công nghệ thông tin... làm tiền đề quan trọng trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch hành động hướng tới mục tiêu đột phá về hạ tầng, công nghệ.

Đã triển khai thử nghiệm thành công công nghệ 5G với tốc độ download đạt hơn 2Gbps, độ trễ 7ms (đạt kết quả tốt nhất trong các nhà mạng thử nghiệm kỹ thuật tại Việt Nam), hoàn thành phát sóng thử nghiệm thương mại 5G tại Hà Nội và TP. HCM vào tháng 12/2020, chuẩn bị cho triển khai chính thức năm 2021.

Tập đoàn cũng đã triển khai thành công các giải pháp công nghệ nhằm nâng cao tốc độ 4G trong điều kiện hạn chế về băng tần; triển khai thành công dịch vụ NB-IoT tại Quảng Ninh, Hải Phòng và Hà Nội, đang triển khai đáp ứng năng lực kết nối IoT toàn quốc. Về nền tảng, VNPT đã phát triển thành công nền tảng VNPT IoT Platform công nghệ điện toán đám mây theo tiêu chuẩn quốc tế được OneM2M công nhận và được đóng gói dưới dạng SDK, API, sẵn sàng cho phát triển ứng dụng IoT ở các lĩnh vực khác nhau.

Cũng trong năm 2020, Tập đoàn VNPT đã phát triển hơn 6.000 cơ sở hạ tầng trạm di động và hơn 14.000 thiết bị 3G, 4G, nâng tổng số thiết bị toàn mạng lên hơn 94.000 trạm các loại, mở rộng vùng phủ sóng di động 3G/4G của VNPT lên 95% dân số và 90% lãnh thổ. Đã hoàn thành việc triển khai quy hoạch năng lực hạ tầng CNTT tại các Trung tâm dữ liệu đến năm 2020.

VNPT đã triển khai hạ tầng thông tin, đảm bảo thông tin liên lạc cho một loạt các sự kiện quan trọng của đất nước: Truyền hình trực tuyến sự kiện họp Đại hồi đồng liên nghị viện Asean-AIPA; Truyền hình hội nghị phục vụ kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV; Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36...

Đơn vị chủ lực dẫn dắt chương trình Chuyển đổi số quốc gia

Nhằm thực hiện quyết tâm trở thành đơn vị chủ lực dẫn dắt chương trình Chuyển đổi số quốc gia, trong năm 2020, VNPT đã có sự tham gia sâu, rộng hơn trong phát triển Chính phủ số bao gồm: thiết lập Hạ tầng số, Xây dựng các nền tảng số có phạm vi ứng dụng ở quy mô Quốc gia, điển hình là Trục liên thông văn bản quốc gia; Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; Cổng dịch vụ công quốc gia (đã triển khai 1.573 thủ tục hành chính gồm 796 thủ tục cho công dân và 961 thủ tục cho doanh nghiệp, đồng bộ trạng thái xử lý trên 19 triệu hồ sơ, xử lý trên 448 nghìn hồ sơ trực tuyến); Nền tảng kết nối thanh toán Payment Platform đã tích hợp triển khai cho 8 Bộ, ngành; 05 Tổng công ty điện lực; 46 tỉnh/thành phố trên cả nước và 10 Ngân hàng/Trung gian thanh toán (VNPT Pay, VietcomBank, VietinBank, MoMo, AgriBank, Ngân Lượng, KeyPay, BIDV, Payoo, Napas).

VNPT cũng đang tích cực tham gia xây dựng các cơ sở dữ liệu quan trọng là khối tài nguyên đồ sộ hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp thông qua các hình thức kết nối, chia sẽ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin như CSDL quốc gia về dân cư (dự kiến hoàn thành tháng 4/2021), CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 893/QĐ-TTg ngày 25/3/2020), CSDL quốc gia về đất đai, Y tế, Giáo dục… Đồng thời, với mục tiêu hướng tới mỗi công dân, doanh nghiệp có một mã định danh duy nhất, VNPT cũng đã nghiên cứu và xây dựng Hệ thống định danh và xác thực điện tử VNPT IDP. Giải pháp VNPT IDP sẵn sàng phương án để triển khai xác thực cho Cổng Dịch vụ công Quốc gia sẵn sàng nâng cấp thành Nền tảng trao đổi định danh và xác thực điện tử quốc gia cũng như cung cấp cho các tổ chức, doanh nghiệp dưới hình thức trao đổi xác thực định danh.

Tham gia vào phát triển Kinh tế số, VNPT đã tập trung nguồn lực phát triển các giải pháp dịch vụ số cho Doanh nghiệp bao gồm: các ứng dụng giao dịch điện tử giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, các dịch vụ có khả năng dùng chung cho các doanh nghiệp như quản trị doanh nghiệp (kế toán, nhân sự, quản lý công việc…), thanh toán điện tử có khả năng áp dụng rộng khắp trên phạm vi toàn quốc; bộ giải pháp chuyển đổi số ứng dụng các công nghệ mới, cốt lõi của cuộc cách mạng 4.0 dành cho các tổ chức Ngân hàng - Tài chính, Thương mại điện tử, phân phối - bán lẻ, hậu cần - vận tải. Đến cuối năm 2020, các sản phẩm dịch vụ/ giải pháp của VNPT đã thâm nhập trên 40% các doanh nghiệp toàn quốc ở hầu hết các lĩnh vực như công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, y tế, giáo dục, bán lẻ, logistic..., giúp mang lại những cải biến tích cực về kinh doanh cho doanh nghiệp trong tăng hiệu suất hoạt động, tăng doanh thu và tiết kiệm chi phí hoạt động.

Hướng tới một xã hội số, VNPT không ngừng sáng tạo cung cấp các dịch vụ số mới dành cho cá nhân và hộ gia đình (hệ sinh thái dịch vụ số VNPT DigiLife, truyền hình chất lượng cao 4K, thiết bị gia đình thông minh Wifi Mesh, Smart Home…); triển khai các giải pháp nâng cấp kịp thời các dịch vụ GTGT trên nền IMS; tiếp tục nâng cấp hệ thống của VNPT Pay đáp ứng giao dịch cá nhân và doanh nghiệp; xây dựng và nộp đề án Mobile Money cho Ngân hàng Nhà nước; hoàn thiện nền tảng phát triển điểm chấp nhận thanh toán trong các lĩnh vực thiết yếu như điện, nước, dịch vụ công, y tế, giáo dục với gần 2.000 điểm...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Phú Hà - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã đánh giá cao những kết quả đạt được của Tập đoàn VNPT trong năm 2020. 2020 là một năm doanh nghiệp đã phải triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện hết sức khó khăn, dịch bệnh Covid-19 cùng mục tiêu kế hoạch năm 2020 so với kế hoạch giai đoạn 2016-2020 trước đó có những biến động do chính sách thay đổi, song với sự nỗ lực, đổi mới, sáng tạo của Tập đoàn, tất cả các chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2016-2020 đều đạt và vượt so với chỉ tiêu được giao ở mức cao. Tập đoàn VNPT là một trong số ít những doanh nghiệp của Ủy ban đã đạt đươc kết quả đó. Đặc biệt trong năm 2020, Tập đoàn VNPT là đơn vị duy nhất không có điều chỉnh về kế hoạch song vẫn hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đánh giá rất cao nỗ lực của Hội đồng thành viên, Ban điều hành cùng tất cả các cán bộ công nhân viên Tập đoàn VNPT đã xuất sắc hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Năm 2020 khép lại, Tập đoàn VNPT đã từng bước đặt những dấu chân vững chắc trên hành trình chuyển đổi số, thể hiện được vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số quốc gia. Đó là cơ sở vững chắc để VNPT tiếp tục triển khai các nhiệm vụ chiến lược, đưa VNPT phát triển đúng tầm nhìn trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam và Trung tâm giao dịch số của khu vực châu Á.

Nguồn: vnpt.com.vn


Từ khóa: khuyến mại vinaphone Khuyến mại 20% Thuê bao trả trước Thuê bao trả sau Khuyến mại