09:45 11/10/2019

Giá trị thương hiệu của VNPT không ngừng tăng lên nhờ tái cấu trúc thành công


Giá trị thương hiệu không ngừng tăng sẽ là tiền đề quan trọng giúp tăng giá trị doanh nghiệp của VNPT khi cổ phần hóa vào năm 2020.

Giá trị thương hiệu đạt 1,683 tỷ USD

Theo danh sách Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2019 do Mibrand Việt Nam công bố, VNPT đã vượt qua Vinamilk, vươn lên vị trí thứ 2 và được định giá ở mức 1,683 tỷ USD. Năm 2018, thương hiệu VNPT được Mibrand định giá 1,339 tỷ USD. Như vậy, chỉ trong 1 năm, thương hiệu VNPT tăng thêm 344 triệu USD, tăng 14% so với năm 2018.

Cùng với đó, thương hiệu VinaPhone thuộc Tập đoàn VNPT cũng đứng thứ 8 trong Top 10 thương hiệu lớn nhất Việt Nam 2019, với giá trị thương hiệu được định giá là 553 triệu USD, tăng 17% so với năm 2018. Như vậy, VNPT là doanh nghiệp duy nhất có 2 thương hiệu nằm trong Top 10 thương hiệu lớn nhất Việt Nam năm 2019.

Tháng 9/2019, với tốc độ download đạt 64 Mbps và tốc độ upload đạt 65,07 Mbps ghi nhận trong kỳ đo kiểm Speedtest của Tổ chức Ookla, VNPT được công nhận là nhà mạng có tốc độ truy cập Internet số 1 Việt Nam.

Những kết quả trên không gây bất ngờ cho giới công nghệ, bởi VNPT đang sở hữu hạ tầng mạng lưới viễn thông hiện đại, rộng khắp, kết nối trực tiếp với hơn 240 quốc gia và trung tâm kinh tế, tài chính khu vực trên toàn thế giới. VNPT cũng là đơn vị duy nhất sở hữu mạng thông tin vệ tinh tại Việt Nam. Tổng dung lượng Internet quốc tế của VNPT đạt trên 4.000 Gbps và sẽ tiếp tục được nâng lên trong thời gian tới.

Giá trị thương hiệu VNPT không ngừng lớn mạnh

Mạng truyền dẫn liên tỉnh của VNPT vào loại lớn và mạnh nhất Việt Nam, với tổng dung lượng trên 24.000 Gbps. Hệ thống cáp quang được đưa tới tận nhà thuê bao (băng thông 10 - 1.000 Mbps) đã triển khai tại 63 tỉnh, thành phố, phủ sóng tới 96% số xã trên cả nước. VNPT có 3 tuyến cáp quang biển lớn có trạm cập bờ là SMW-3, AAG, APG và 2 tuyến cáp quang đang được xây dựng là AAE-1, ASE, cùng với 3 tuyến cáp quang trên đất liền kết nối trực tiếp tới các nước Lào, Campuchia và Trung Quốc.

Kết quả từ quá trình tái cấu trúc thành công

Nếu như kết quả phát triển hạ tầng dịch vụ là cơ sở, nền tảng, thì chiến lược chuyển đổi số từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang một nhà cung cấp dịch vụ số đang là chìa khóa cho sự thành công và tăng trưởng giá trị doanh nghiệp, giá trị thương hiệu của VNPT.

VNPT đã khởi động Chiến lược VNPT 4.0 từ năm 2018 với mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ số và trung tâm giao dịch số hàng đầu Việt Nam, cụ thể hóa 10 chương trình, 34 dự án chiến lược. Đồng thời, VNPT đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại tổ chức hoạt động theo Quyết định số 2129-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai công tác cổ phần hóa công ty mẹ.

“Năm 2019, VNPT tiếp tục triển khai sắp xếp cơ cấu tổ chức quản lý, sản xuất, kinh doanh theo phương án cơ cấu lại Tập đoàn VNPT giai đoạn 2018 - 2020 và đẩy mạnh Chiến lược VNPT 4.0. Cùng với đó, tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất lao động, tăng trưởng lợi nhuận, đột phá về năng lực cạnh tranh và xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp với định hướng chuyển đổi số. VNPT đã hoàn thành việc tái cấu trúc khối công nghệ thông tin, thành lập Công ty VNPT-IT, trụ cột của VNPT về sản xuất phần mềm và các ứng dụng công nghệ, tạo sức mạnh cho Tập đoàn bứt phá mạnh mẽ trong quá trình chuyển đổi số”, ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT cho biết.

Với chiến lược phát triển đúng đắn, quá trình cơ cấu lại đạt hiệu quả cao, VNPT là doanh nghiệp nhà nước hiếm hoi có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân 5 năm gần đây đạt 25,3%/năm. Kết thúc năm 2018, VNPT đạt doanh thu 154.210 tỷ đồng, nộp ngân sách 4.476 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2017.

Theo kết quả sản xuất, kinh doanh mới nhất, 6 tháng năm 2019, VNPT đạt doanh thu thuần 26.118 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái. VNPT đạt lợi nhuận ròng 2.841 tỷ đồng, tăng 4,4%. Tính đến ngày 30/6/2019, tổng tài sản của VNPT đạt mức 93.550 tỷ đồng…

Trong những năm tiếp theo, cùng với chiến lược chuyển đổi số, dựa trên điểm mạnh của hạ tầng mạng lưới rộng khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, VNPT sẽ tiếp tục mở rộng hạ tầng mạng lưới tạo nền tảng truy nhập Internet tốc độ cao phục vụ chuyển đổi số, tiếp tục nâng cao và khẳng định vai trò và vị trí dẫn dắt trong lĩnh vực triển khai xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số tại Việt Nam nhằm trở thành nhà cung cấp hàng đầu về dịch vụ số tại Việt Nam vào năm 2025 và trở thành trung tâm giao dịch số tại châu Á vào năm 2030.

Có thể thấy, việc tiếp tục duy trì kết quả sản xuất, kinh doanh ổn định, doanh thu và lợi nhuận tốt, phát triển các lĩnh vực kinh doanh mới hiệu quả, đầu tư mở rộng hạ tầng, công nghệ mới như 5G, trí tuệ nhân tạo, Big Data, Blockchain… sẽ tiếp tục giúp VNPT nâng cao giá trị thương hiệu. Điều này rất quan trọng bởi giá trị thương hiệu VNPT được định giá cao sẽ giúp giá trị VNPT tăng lên khi VNPT cổ phần hóa trong năm 2020, mang lại lợi ích lớn cho nhà nước và chính VNPT.

Năm 2019, VNPT tiếp tục triển khai sắp xếp cơ cấu tổ chức quản lý, sản xuất, kinh doanh theo phương án cơ cấu lại Tập đoàn VNPT giai đoạn 2018 - 2020.

Theo Báo Đầu tư

Nguồn: vnpt.com.vn


Từ khóa: khuyến mại vinaphone Khuyến mại 20% Thuê bao trả trước Thuê bao trả sau Khuyến mại