08:41 12/12/2019

Cổng dịch vụ công quốc gia được xây dựng thế nào?


Để xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia dichvucong.gov.vn sẽ giúp tiết kiệm 4.222 tỷ/năm, Văn phòng Chính phủ đã cùng với Tập đoàn VNPT lựa chọn những giải pháp giúp việc triển khai được nhanh, giảm thiểu các rủi ro liên quan đến kiến trúc, hiệu năng và an toàn bảo mật.

Liên tục cải thiện trải nghiệm cho người dùng

Với kinh nghiệm của một nhà cung cấp giải pháp công nghệ số hiện đại, VNPT đã được lựa chọn đồng hành cùng Văn phòng Chính phủ xây dựng hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia.

Với mục tiêu hướng tới là giúp người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin, tiết kiệm thời gian, chi phí, cung cấp nhiều tiện ích cho người dùng, hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia được thiết kế có 9 hợp phần chính, gồm: Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính (TTHC); Dịch vụ công trực tuyến; Hệ thống phản ánh, kiến nghị; Bộ câu hỏi/trả lời; Hệ thống quản lý xác thực và định danh; Nền tảng thanh toán (PaymentPlatform); Phân hệ theo dõi, đánh giá việc giải quyết TTHC; Phân hệ quản lý dữ liệu người dùng; Hệ thống chatbot.

Theo ông Huỳnh Quang Liêm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, để thuận lợi cho người dân, VNPT đã cùng Văn phòng Chính phủ tham khảo rất nhiều nền tảng trên thế giới, trước khi quyết định lựa chọn công nghệ Việt Nam. Đồng thời, VNPT sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá trải nghiệm của người dân khi tiếp xúc với cổng dịch vụ, để liên tục cải thiện trải nghiệm cho người dùng.

Xác định việc triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia là một địa chỉ duy nhất kết nối liên thông với toàn bộ các cổng dịch vụ công của các bộ, ngành và địa phương nhằm phục vụ tra cứu và thực hiện các dịch vụ công trên không gian mạng, VNPT đã dành nhiều nguồn lực tập trung đáp ứng các yêu cầu về băng thông kết nối, vấn đề an toàn an ninh mạng và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Thủ tướng Chính phủ giao cho Tập đoàn VNPT.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trải nghiệm Cổng dịch vụ công quốc gia

Hệ thống hạ tầng cho Cổng dịch vụ công quốc gia được triển khai trên hạ tầng VNPT-IDC đạt tiêu chuẩn quốc tế Tier3, kết nối 63/63 tỉnh, thành trên toàn quốc và kết nối với quốc tế với tổng dung lượng chiếm 70% băng thông quốc tế tại Việt Nam.

Với nhiệm vụ đảm bảo chất lượng dịch vụ chính thức phục vụ người dân và doanh nghiệp khi khai thác Cổng dịch vụ công quốc gia, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Ban Cơ yếu Chính phủ đánh giá về mức độ an toàn, đồng thời, đã được các chuyên gia kiểm thử đánh giá các tính năng của Cổng theo yêu cầu đặt ra. Bộ Công an, Cục An toàn thông tin (ATTT) – Bộ TT&TT, Ban Cơ yếu Chính phủ và các nhà mạng cũng sẽ phối hợp để đảm bảo ATTT cho hệ thống Cổng dịch vụ công.

Với vai trò là đơn vị phát triển và vận hành hệ thống kỹ thuật Cổng dịch vụ công quốc gia, Tập đoàn VNPT đã bố trí hệ thống hiện đại thực hiện công tác giám sát 24/7, cùng huy động nguồn lực là các chuyên gia về ATTT ứng trực trong việc giám sát đảm bảo ATTT cho hệ thống.

Tích hợp nhiều tiện ích

Trên cơ sở tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, Cổng thông tin một cửa quốc gia, Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử của các bộ, cơ quan, địa phương, Cổng dịch vụ công quốc gia cung cấp thông tin, hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công để cá nhân, tổ chức dễ dàng tra cứu, tìm kiếm theo mục đích, nhu cầu người dùng; theo từ khóa, lĩnh vực, cơ quan thực hiện và theo mức độ dịch vụ công trực tuyến.

Thông qua hình thức Tổng đài hỗ trợ tự động, tiếp nhận và hướng dẫn qua hòm thư, thông báo gửi hướng dẫn tự động qua hệ thống trao đổi nội bộ, công cụ trả lời tự động sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), Cổng dịch công quốc gia cung cấp các gợi ý, nhắc nhở người dùng các thao tác, công việc khi thực hiện thủ tục hành chính.

Đặc biệt, Cổng dịch vụ công cung cấp dịch vụ công trực tuyến với tính năng xác thực, quản lý dữ liệu người dùng trên cơ sở kết nối, chia sẻ dữ liệu. Người dân, doanh nghiệp chỉ cần đăng nhập, khai báo một lần trên Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ thực hiện được nhiều dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương và các dịch vụ công về y tế, giáo dục, điện, nước,... theo mức độ xác thực của từng dịch vụ mà không phải khai thông tin nhiều lần, không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính.

Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia như đăng ký kinh doanh, thuế, bảo hiểm,… sẽ cho phép giấy tờ, thông tin của tổ chức, cá nhân đã cung cấp một lần thành công khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến lần đầu trên Cổng dịch vụ công quốc gia được tái sử dụng khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến lần sau và kết quả giải quyết TTHC được công nhận tính pháp lý trên toàn hệ thống. Việc này không chỉ cắt giảm các trình tự kiểm tra, xác nhận đối với các thông tin, tạo tính công khai, minh bạch mà còn giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí và công sức.

Theo Pháp luật Việt Nam

https://baophapluat.vn/hi-tech/cong-dich-vu-cong-quoc-gia-duoc-xay-dung-the-nao-484072.html

Nguồn: vnpt.com.vn


Từ khóa: khuyến mại vinaphone Khuyến mại 20% Thuê bao trả trước Thuê bao trả sau Khuyến mại