08:46 22/12/2022

Bình Định triển khai thí điểm nền tảng quốc gia về họp trực tuyến VNPT GoMeet


Theo ông Nguyễn Minh Thảo - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Định, nhận thấy nền tảng họp trực tuyến là hết sức cần thiết, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Định đã chủ động tham mưu đề xuất cho Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thí điểm tại Bình Định.

Yêu cầu của Tỉnh về hệ thống họp trực tuyến cần đáp ứng cung cấp 2000 tài khoản người dùng, 50 phiên họp đồng thời và mỗi phòng họp tối đa là 500 điểm cầu tham dự. Đại diện tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức làm việc và thống nhất kế hoạch cụ thể triển khai thí điểm với Cục Bưu điện Trung ương là đơn vị chủ trì, thúc đẩy nền tảng họp trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Căn cứ trên cơ sở yêu cầu thực tế tại Bình Định và khả năng đáp ứng của hệ thống, Sở Thông tin và Truyền thông đã tiến hành lựa chọn nền tảng GoMeet của Tập đoàn VNPT. Sau đó Sở đã lên phương án, tổ chức đào tạo hướng dẫn đến cán bộ kỹ thuật cấp huyện, sở và 159 xã trên toàn Tỉnh. Tiến hành cung cấp tài khoản quản trị và người dùng hệ thống GoMeet cho các đơn vị trong toàn tỉnh.

Thông tin triển khai thực tế thí điểm sử dụng nền tảng đến thời điểm hiện tại đã tạo 36 tài khoản admin cho cán bộ kỹ thuật quản trị, 61 tài khoản người dùng cho các đơn vị sử dụng. Ngoài ra, hệ thống cho phép các điểm cầu dạng khách (Guest) tham gia khi có đường link mời vào phiên họp.

Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ trì vận hành, tổ chức 24 phiên họp trong toàn tỉnh và số lượng điểm cầu tham dự phiên lớn nhất ghi nhận là 160 điểm cầu. Sở Thông tin và Truyền thông đánh giá sơ bộ nền tảng GoMeet và quá trình thí điểm.

Về hệ thống kết nối, đáp ứng yêu cầu về chất lượng âm thanh, hình ảnh, các kịch bản phiên họp. Cho trải nghiệm người dùng trực quan, dễ thao tác vận hành và sử dụng. Nền tảng đảm bảo yêu cầu về an toàn thông tin theo cấp độ về hạ tầng kỹ thuật, lưu trữ, khai thác thông tin, dữ liệu người dùng theo quy định.

Về mở rộng phạm vi sử dụng, có khả năng triển khai dùng chung rộng khắp trong một số lĩnh vực như thương mại điện tử, nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, giao thông, xây dựng, tài nguyên và môi trường, học trực tuyến… tại tỉnh Bình Định.

Trong quá trình thí điểm thực tế, các đơn vị tham gia thí điểm tích cực nền tảng họp trực tuyến trong xử lý công việc như: Các phiên họp đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, chính trị,… và các cuộc họp hiện nay đa phần thiết lập cho phép người dùng dạng khách không cần đăng nhập có thể tham gia. Tuy nhiên, việc tạo tài khoản người dùng ở các đơn vị vẫn chưa nhiều (tài khoản người dùng thường được tạo cho mỗi phòng, ban, đơn vị 01 tài khoản).

Các quan điểm tham mưu, định hướng của Sở Thông tin và Truyền thông cho lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh về định hướng sử dụng nền tảng họp trực tuyến Make in Vietnam hoàn toàn có thể đáp ứng tốt nhu cầu người dùng nếu được sử dụng, góp ý để hoàn thiện sản phẩm. Nền tảng Việt Nam phục vụ người Việt Nam sẽ nhanh hơn, tốt hơn, vì chỉ sử dụng băng thông kết nối trong nước. Nền tảng Việt Nam được tùy biến để tăng cường an toàn, bảo mật.

Cơ quan, tổ chức có thể linh hoạt triển khai trên hạ tầng của chính mình và tự mình kiểm soát, không sợ bị lộ, lọt thông tin cho bên thứ ba mà mình không kiểm soát được. Cơ quan, tổ chức có thể chủ động phát triển hoặc thuê phát triển tiếp, “may đo” phục vụ nhu cầu của riêng mình.

Từ những định hướng và mục tiêu sử dụng nền tảng họp trực tuyến Make in Vietnam, Sở Thông tin và Truyền thông Bình Định sẽ cụ thể hóa bằng các chương trình hành động, đưa vào chương trình, kế hoạch công tác năm 2023 và các giai đoạn tiếp theo.

Trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông Bình Định kiến nghị đề xuất với Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục quan tâm tạo điều kiện để Sở tổ chức hướng dẫn và đôn đốc các đơn vị khác trong Tỉnh sử dụng nền tảng. Bộ Thông tin và Truyền thông sớm công bố các nền tảng số quốc gia Make in Vietnam về họp trực tuyến.

Nguồn: vnpt.com.vn


Từ khóa: khuyến mại vinaphone Khuyến mại 20% Thuê bao trả trước Thuê bao trả sau Khuyến mại